Chỉ thị là gì?


1. Chỉ thị là gì?


Chỉ thị là văn bản được sử dụng thường xuyên trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung, không chỉcủa riêng UBND nhưng thường thì ta vẫn gặp cácchỉ thị do UBND (tỉnh, huyện) ban hành là chủ yếu.

2. Thẩm quyền ban hành chỉ thị?


Theo quy định tại các Điều 14, 17, 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 cũng quy định rõ: 

– Chỉ thị của UBND cấp tỉnh được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và của HĐND, UBND cấp dưới trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình; 

– Chỉ thị của UBND cấp huyện được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và của HĐND, UBND cấp xã trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình; 

– Chỉ thị của UBND cấp xã được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình. 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tính “có chứa QPPL” của chỉ thị thường không đảm bảo, hầu hết, các chỉ thị là dùng để phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên; đề ra các biện pháp thực hiện cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, giao nhiệm vụ cho cấp dưới…Với vai trò sử dụng như vậy, hình thức chỉ thị không phù hợp với chức năng của VBQPPL. Hơn nữa, từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, toàn bộ các chủ thểnhà nước ở trung ương đều không còn thẩm quyền ban hành VBQPPL với tên gọi chỉ thị. Do đó, bỏ đã hình thức chỉ thị của UBND. 

Căn cứ quy định tại Điều 2, Điều 4, Khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13, kể từ ngày 1/7/2016, Chỉ thị của UBND tỉnh không còn được quy định là loại văn bản trong hệ thống văn bản QPPL. Việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này, nhưng có chứa QPPL là không phù hợp với quy định hiện hành. 

Khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13 quy định, nghiêm cấm ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa QPPL. 



Điều 4 của Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13 này quy đinh hệ thống văn bản QPPL như sau: 

– Hiến pháp. 

– Bộ luật, luật (gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội. 

– Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. 

– Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

– Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 

– Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước. 

– Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh). 

– Quyết định của UBND cấp tỉnh. 

– Văn bản QPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 

– Nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện). 

– Quyết định của UBND cấp huyện. 

– Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). 

– Quyết định của UBND cấp xã. 



Nhận xét